Malaysia là một quốc gia với nhiều điểm du lịch hấp dẫn, những món ăn ngon và người dân cũng rất thân thiện. Tuy nhiên, đất nước này cũng có những điều cấm kỵ và sẵn sàng phạt rất nặng nếu như du khách vi phạm. Trong bài viết này, chúng ta cùng VieTourist tìm hiểu xem những điều đó là gì nhé:
Hầu hết người dân địa phương, đặc biệt là người theo đạo Hồi, đều rất kỵ việc bày tỏ tình cảm ở nơi công cộng. Trên tàu lửa, xe buýt hoặc taxi, bạn còn có thể bắt gặp những biển báo cấm hôn hoặc ôm nhau.
Bạn có thể hôn lên má người yêu, nhưng bất cứ hành động nào khác nhằm thể hiện tình cảm ở mức cao hơn đều nên tránh.
Tiếp xúc cơ thể với người khác giới là điều cấm kỵ tại Malaysia, đặc biệt là đối với người theo đạo Hồi. Vì vậy, đừng cảm thấy bị xúc phạm nếu bạn đưa tay ra để bắt nhưng đối phương không đáp lại.
Để tránh rơi vào tình huống khó xử này, bạn chỉ nên mỉm cười và cúi đầu để chào người dân địa phương, chỉ bắt tay trong tình huống họ chủ động đưa tay ra với bạn, đặc biệt là với nữ giới.
Tại Kuala Lumpur, bạn cần phải tháo giày trước khi vào nhà hoặc những nơi linh thiêng. Du khách cũng cần ăn mặc phù hợp khi đến thăm đền chùa (không mặc áo sát nách, váy hoặc quần quá ngắn).
Bạn không được để lòng bàn chân hướng về phía người khác hoặc những bức ảnh, tượng linh thiêng.
Hành vi, cử chỉ thường rất khó kiểm soát bởi, đôi khi bạn hành động theo thói quen trong vô thức. Tuy nhiên, khi đến Malaysia, bạn nên chú ý hơn vì có rất nhiều hành động được xem là bình thường ở hầu hết các quốc gia nhưng lại không được chấp nhận ở Malaysia.
Ví dụ, đầu được xem là nơi tôn nghiêm nhất của cơ thể, vì thế cần được tôn trọng. Chạm vào đầu ai đó hoặc thậm chí chuyền đồ phía trên đầu người khác cũng bị xem là rất thất lễ và thô lỗ.
Tương tự, việc chỉ tay bằng ngón trỏ được xem là điều bình thường khi chỉ đường tại Việt Nam, nhưng lại bị xem là mất lịch sự tại Malaysia. Vì vậy, bạn nên sử dụng cả bàn tay khi chỉ. Hành động một tay co lại thành nắm đấm, đặt lên lòng bàn tay còn lại cũng bị xem là thô lỗ.
Riêng tại bang Terengganu và Kelantan, thức uống có cồn bị cấm hoàn toàn. Bạn không thể tìm thấy bất cứ cửa hàng nào bán các loại đồ uống này.
Ở những nơi khác, rượu bia có thể được cho phép, nhưng kèm theo nhiều điều kiện khắt khe, ví dụ như không được uống ở bãi biển. Tại Malaysia, thuế rượu bia rất cao nên bạn sẽ phải trả mức không nhỏ nếu có thói quen nhâm nhi như tại Việt Nam.
Tuy nhiên, dù thế nào cũng không bao giờ được có các hành vi say xỉn ở nơi công cộng như ói mửa, đánh nhau, khạc nhổ, đi loạng choạng hoặc nằm vạ vật ngoài đường phố.
Hành vi này có thể khiến du khách bị phạt RM20 (khoảng 112.000 đồng) hoặc phạt tù đến 10 ngày hoặc cả hai, tùy theo mức độ nghiêm trọng.
Có rất nhiều phim và ca khúc nước ngoài quen thuộc với khán giả Việt Nam lại bị cấm tại Malaysia, và việc xem hay hát lại có thể khiến bạn gặp nhiều phiền toái.
Malaysia có danh sách dài các phim, chương trình truyền hình và ca khúc không được trình chiếu, hoặc bị cắt bỏ nhiều phân cảnh, chủ yếu vì chúng liên quan đến tôn giáo, bạo lực hoặc tình dục, đồng tính.
Một trong số những phim và chương trình truyền hình bị cấm tại Malaysia gồm có Wonder Woman (vì nữ diễn viên chính Gal Gadot từng có thời gian phục vụ trong quân đội Israel), The Dark Knight (có cảnh bạo lực, khủng bố, vô chính phủ), Beauty and the Beast (có yếu tố đồng tính), series phim hoạt hình Family Guy gay Sex and the City.
Các bạn trẻ Việt Nam cũng đừng nên hát hoặc mở ca khúc Despacito của Luis Fonzi. Ca khúc này bị cấm tại Malaysia vào năm 2017 vì có các ngôn từ tục tĩu.
Tương tự, các ca khúc khác bị cấm hoặc bị thay đổi lời, cắt bớt cảnh trong video bao gồm Born This Way (Lady Gaga), Like a G6 (Far East Movement), E.T. (Katy Perry), Party Rock Anthem (LFMAO), The Edge of Glory (Lady Gaga).
Nếu băng qua đường thiếu cẩn trọng, không để ý đến dòng xe cộ đang lưu thông hoặc đi sai luật, bạn có thể bị phạt lên đến RM500 (2,8 triệu đồng).
Tốt nhất là bạn nên chờ đèn đỏ rồi mới bắt đầu di chuyển trên phần đường dành cho người đi bộ, hoặc dùng cầu bộ hành.
Bạn có thể bị phạt vì tạo ra quá nhiều tiếng động, đặc biệt là từ trống hoặc kèn hoặc bất cứ dụng cụ nào “gây phiền hà hoặc bất tiện cho người khác”. Nếu bị phạt, bạn có thể phải đóng mức phí khoảng 600.000 đồng.