1/ Chùa Kek Lok Si Malaysia
Khác với nhiều quốc gia tại khu vực Đông Nam Á như Thái Lan hay Myanmar, Hồi giáo lại được xem là tôn giáo chính của Malaysia. Tuy nhiên, không vì thế mà nơi đây thiếu đi những ngôi chùa Phật giáo rộng lớn, uy nghiêm lộng lẫy. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau khám phá chùa Kek Lok Si Malaysia, ngôi chùa lớn nhất của đất nước tháp đôi hiện nay và nằm trong top những ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á.
Kek Lok Si là một ngôi chùa vô cùng nổi tiếng nằm trên đỉnh núi Air Itam, thuộc tỉnh Penang, cách đồi Penang khoảng 3km. Chùa có diện tích lên đến hơn 12 ha và hiện đang là ngôi chùa Phật giáo lớn nhất của Malaysia. Kek Lok Si được xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 1890 đến năm 1930 bởi trụ trì Beow Lean. Phần lớn số vốn xây dựng chùa đều được quyên góp bởi cộng đồng người Hoa sinh sống tại Penang.
Trải qua hàng chục năm xây dựng và cải tạo, chùa Kek Lok Si Malaysia hiện nay đã trở nên vô cùng rộng lớn, lộng lẫy và trở thành điểm hành hương quan trọng không chỉ của người dân Malaysia mà còn của cả các tín đồ từ Hong Kong, Philippines, Singapore và Trung Quốc.
Có lẽ do được xây dựng bởi cộng đồng người Hoa ở Penang nên chùa Kek Lok Si Malaysia mang đậm lối kiến trúc đặc trưng của Trung Quốc. Khuôn viên của chùa được chia thành 3 khu vực chính. Khu đầu tiên là khoảng sân trước lối vào, với hàng chục quầy hàng lưu niệm, quầy bán đồ ăn và một ao phóng sinh rùa. Theo quan niệm của người Trung Quốc, rùa tượng trưng cho sức khỏe, sự trường thọ vì vậy việc phóng sinh rùa sẽ mang lại cho chúng ta sự thanh thản trong tâm hồn. Khu thứ 2 là khu chính điện, thờ Tứ Đại Thiên Vương và khu nghỉ ngơi. Khu thứ 3 nằm ở vị trí cao nhất là nơi đặt bức tượng Phật Quan Thế Âm Bồ Tát khổng lồ cùng một vài đền thờ nhỏ.
Một trong những địa điểm mà bất cứ ai khi đến tham quan chùa Kek Lok Si Malaysia cũng đều muốn ghé thăm đó chính là tòa tháp 7 tầng có tên Ban Po Thar. Công trình này được xây dựng vào năm 1930 với chiều cao hơn 30 mét theo kiến trúc hình bát giác đặc trưng của đền chùa Trung Quốc, kết hợp với phong cách kiến trúc của Thái Lan và Miến Điện. Điều đó cũng thể hiện sự đồng nhất về sắc tộc và tôn giáo giữa các quốc gia với nhau.
Du khách có thể khám phá cả 7 tầng của tòa tháp Ban Po Thar. Ở mỗi tầng có đặt rất nhiều những bức tượng bằng ngọc được điêu khắc vô cùng tỉ mỉ cùng các cổ vật Trung Hoa quý giá. Lên đến đỉnh, bạn sẽ có cơ hội được chiêm ngưỡng một khung cảnh thiên nhiên cực kỳ ấn tượng.
Nằm trên đỉnh cao nhất của chùa Kek Lok Si chính là bức tượng Phật Quan Thế Âm Bồ Tát khổng lồ có tên Guanyin. Bức tượng này được làm vào năm 2002 với chất liệu bằng đồng, cao hơn 36,5 mét. Tượng được che chở bởi một không gian mái 3 tầng và được chống đỡ bằng hệ thống 16 cột làm bằng đồng.
Cách di chuyển đến chùa Kek Lok Si
Bạn có thể di chuyển đến chùa Kek Lok Si bằng nhiều loại phương tiện khác nhau, trong đó xe buýt là phương tiện được đông đảo du khách lựa chọn. Các tuyến xe buýt số 203 và 204 từ Komtar sẽ đưa bạn đi thẳng đến chân chùa Kek Lok Si. Giá vé sẽ rơi vào khoảng 2 RM/ 1 người.
Một vài lưu ý khi tham quan chùa Kek Lok Si
2/ Chùa Thian Hock Keng
Thian Hock Keng là ngôi chùa Trung Hoa lâu đời nhất của Singapore. Nơi đây ngập tràn những di sản văn hóa Trung Hoa và là nơi nhất định phải ghé thăm đối với những du khách đam mê lịch sử và cả những du khách tò mò về văn hóa phương Đông.
Chùa Thian Hock Keng được hình thành vào năm 1839, do những người dân làm nghề chài lưới và cộng đồng người Phúc Kiến, Trung Hoa sinh sống tại Khu Chinatown ở Singapore xây dựng lên với mong muốn bày tỏ sự biết ơn chuỗi ngày dài đánh bắt trên biển và trở về an toàn.
Khi đến đây, du khách có dịp chiêm ngưỡng kiến trúc truyền thống đặc trưng của miền Nam Trung Quốc. Điểm nhấn văn hóa tại đây là những chi tiết chạm trổ tỉ mỉ với những bức tượng rồng, phượng và các vị thần. Trên gờ mái của chùa còn được trang trí bởi những mảnh sứ vỡ nhiều màu, đây chính là một kỹ thuật trang trí đặc trưng kiểu Phúc Kiến.
Điều thú vị là, không một cây đinh nào được dùng khi xây dựng chùa này, hiện nay chùa đã được xếp vào Di tích Quốc gia và được Huay Kuan, một người Singapore gốc Phúc Kiến quản lý. Vào thế kỷ 19, phía trước đường Telok Ayer là bờ biển và đại dương. Khu vực giáp biển này là xuất phát điểm cho những nhà quy hoạch đô thị thời thuộc địa của Singapore, và khu Chinatown đã mở rộng phần đất liền từ khu vực này. Mặc dù đã tiến hành lấn biển nhiều lần, chùa Thian Hock Keng vẫn tọa lạc trên con đường đó, giữa những quán bar và nhà hàng tấp nập, như một lời nhắc nhở hoa mỹ về sự khởi đầu của khu Chinatown. Hàng năm, có hàng nghìn du khách tham quan nơi này bao gồm cả khách hành hương và cả khách du lịch tham quan những thắng cảnh của Singapore.
Nếu có dịp ghé thăm đất nước Singapore thì du khách đừng bỏ qua ngôi chùa cổ kính này nhé !