Có cơ hội du lịch Singapore – Malaysia thì bạn nhớ ghé qua 3 địa điểm nổi tiếng sau đây để có thể cảm nhận được nét văn hóa, lối sống của người dân Malaysia, từ đó có thể hiểu thêm về đặc tính, cũng như về tín ngưỡng tâm linh tại nơi này. Hôm nay hãy cùng VieTourist tìm hiểu kĩ hơn về những địa điểm này nhé.
1/ Biệt thự Pinang Peranakan Mansion
Biệt thự Pinang Peranakan là phiên bản của một ngôi nhà thuộc tầng lớp giàu có vào thế kỷ thứ 19 với thiết kế tuyệt đẹp có tuổi đời lên tới 2 thế kỷ, nhưng sự nguy nga và sang trọng của nơi đây vẫn không hề giảm bớt. Bước vào khu dinh thự này bạn sẽ cảm nhận được phong cách Trung Hoa vô cùng đặc sắc, chỉ nhìn thôi là đã muốn hóa thân ngay thành những đại tiểu thư đài các trong các bộ phim Trung Hoa đình đám. Với tường xanh lá nhạt và những cổng gỗ chạm trổ công phu thếp vàng, ngôi nhà như buông lời vẫy gọi mọi du khách bước ngang. Sự hào nhoáng tiếp tục theo chân du khách vào trong nhà cùng sảnh đón khách rộng lớn với đầy những rương, tráp sơn mài theo phong cách Châu Á, tranh Trung Hoa và đồ nội thất cổ Châu Âu. Khu phòng ăn với những bộ chén bát bằng gốm sứ Anh trang nhã góp phần tăng thêm vẻ sang trọng cho ngôi nhà.
Biệt thự này vốn thuộc về một di dân gốc Hoa đã làm giàu từ nghề khai mỏ. Biệt thự được xây vào cuối thế kỷ 19, với vật liệu kết hợp từ ngói nhập từ Anh Quốc, đồ sắt rèn từ Scotland và bình phong trang trí gỗ phong cách Trung Hoa.
Hãy tiếp tục theo chân những bậc thang lên khu phòng ngủ với hàng loạt cổ vật được bày khắp mọi nơi, mang đến cho người tham quan cảm giác như những nữ chủ nhân của chúng có thể quay lại bất kỳ khi nào. Hãy ngắm những hiện vật tại phòng cô dâu, từ bộ trải giường bằng lụa đến những vật dụng cá nhân như vòng tay, kẹp tóc, giày sandal đều là những vật dụng được xem là thiết yếu của phụ nữ giàu có vào thời bấy giờ. Đừng bỏ qua cơ hội ngắm cảnh từ ban công hay xem ảnh chân dung gia đình gia chủ để biết thêm về những người đã từng một thời sống trong ngôi nhà này.
Du khách nên tham gia tour có người hướng dẫn để có thể hiểu thêm về những hiện vật trưng bày và giai đoạn lịch sử đầy lý thú này của Malaysia. Những người tình nguyện hiểu biết sẽ giải thích thêm về lịch sử của ngôi nhà và chia sẻ câu chuyện về những người đã sống tại đây. Tour được tổ chức 2 lần mỗi ngày.
Du khách có thể đến tham quan biệt thự Pinang Peranakan bằng dịch vụ xe buýt miễn phí Central Area Transit (CAT) với các điểm dừng là những điểm tham quan chính tại khu trung tâm Georgetown.
Thông tin chi tiết:
2/ Đền Sri Mahamariamman
Nằm ở phía Nam Jalan Hang Lekir và tọa lạc trên đường Jalan Tun HS Lee, Sri Mahamariamman là ngôi đền được trang trí kỳ công nổi tiếng tại Malaysia. Với mái ngói được pha trộn giữa phong cách Tây Ban Nha và Ý cùng chất liệu chủ yếu từ vàng và đá quý, ngôi đền trở nên nổi bật dù nằm giữa hai ngôi chùa gần bên khu phố Chinatown.
Ngôi đền kỳ công và tinh tế dành cho các tín đồ Hindu này được xây dựng bởi cộng đồng người Tamil di cư đến đây từ miền Nam Ấn Độ theo hợp đồng xây dựng cầu đường hoặc làm việc trong các đồn điền cao su. Đền Sri ban đầu được xây dựng để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của họ và có chỗ dựa về mặt tinh thần sau những giờ làm khắc nghiệt. Công trình bắt đầu được xây dựng năm 1873 và trải qua nhiều công cuộc trùng tu cho đến thời điểm hiện tại.
Đây là một phần mới thuộc ngôi đền được xây dựng vào năm 1968. Tháp có chiều cao 2.2m với vô số các bức tượng thần Hindu. Nơi này được xem như ranh giới giữa thế giới vật chất bên ngoài và cõi tâm linh bên trong. Thật vậy, khi vừa bước vào trong, những âm thanh ồn ào của đường phố và cảm giác xô bồ bên ngoài được thay thế bằng sự trầm mặc, tĩnh lặng, cộng với không khí trong lành thoang thoảng mùi hương trầm cho bạn cảm giác bình yên và thanh thản lạ thường.
Ngọn tháp có tổng cộng 228 bức tượng các thần Hindu, được thực hiện bởi các nhà điêu khắc Ấn Độ. Tác phẩm tái hiện lại những tình tiết ấn tượng trong sử thi Ramayana, khiến cho năm tầng của cổng vào trở nên sống động và có hồn hơn hẳn. Bên cạnh các chạm khắc tinh xảo của tượng thần và đồ trang trí bằng vàng và đá quý, ngôi đền cũng được trang trí bằng những họa tiết được sơn thủ công tỉ mỉ, miêu tả các huyền thoại về Ấn Độ Giáo thời kỳ đầu.
Việc xây dựng ngôi đền ban đầu được tài trợ bởi Thambusamy Pillai, một nhân vật trụ cột của cộng đồng Ấn Độ cũ tại Kuala Lumpur. Garbagraham, hay còn gọi là Anctorum Sanctorum, nơi đặt hình ảnh chính của vị thần Sri Maha Mariamman. Căn phòng rộng lớn này có các nén nhang hình xoắn ốc, là chỗ để các linh mục cầu nguyện (puja). Không gian được lấp đầy bằng các bài thánh ca chầm chậm, nhẹ nhàng.
Sảnh cầu nguyện chính được đặt ở phần mái có hình củ hành và được trang trí phong phú. Ở đây có ba đền thờ chính, bốn đền nhỏ hơn nằm quanh tòa nhà chính. Ba đền thờ chính là nơi đặt tượng của Lord Ganesha, Lord Muruga, Lakshmi (nữ thần đại diện cho sự giàu có và hạnh phúc) cùng nhiều hình tượng khác. Ngôi đền vừa được trùng tu gần đây và trông rất rực rỡ.
Đền được đặt theo tên của vị thần Hindu nổi tiếng, Mariamman, được xem như vị thần bảo vệ cho cộng đồng Tamils trong thời gian lưu trú ở đây. Ngoài ra, sự hiện diện của nữ thần được người Tamils quan niệm để chống lại bệnh tật và những thế lực xấu (chẳng hạn như ma quỷ). Là ngôi đền Hindu nổi tiếng nhất ở Kuala Lumpur, khi đến đây bạn sẽ được tham gia cầu nguyện cùng nhiều tín đồ, đặc biệt vào buổi sáng sớm hay chiều muộn trong ngày. Theo truyền thống Hindu, ngôi đền được cúng hiến mỗi 12 năm một lần.
Yếu tố nổi bật trong lễ hội Thaipusam hàng năm là chiếc xe ngựa bạc lớn của đền thờ, với 240 chiếc chuông và hai con ngựa dành cho Lord Murugan (Subramaniam). Chiếc xe được dùng vận chuyển bức tượng Lord Muruga và những người thân cận của ông, Valli và Teivayanni. Cuộc diễu hành vòng qua những con đường của thành phố trên đường đến Batu Cave, phía bắc thành phố. Sự kiện này diễn ra vào tháng Giêng hoặc tháng Hai hàng năm, kéo theo số lượng lớn những người mộ đạo Hindu hội tụ về để tham gia vào nghi thức. Vào ngày thường, chiếc xe được được lưu giữ trong một tòa nhà ở bên cạnh ngôi đền. Bạn có thể nhìn thấy nó khi đi dọc theo Jalan Hang Lekir.
Đền Sri Mahamariamman luôn mở cửa cho công chúng tự do tham quan. Đến đây, bạn cũng có thể quyên góp một đồng Ringgit cho công cuộc bảo trì ngôi đền. Trước khi vào trong, bạn nên để lại giày dép bên ngoài.
Bên ngoài lối vào là những người bán hoa cũng như các gian hàng với đầy đủ các loại bánh ngọt và các món ngon khác. Vòng qua phía sau những cái cột, bạn có thể đùa giỡn với những chiếc cồng được sơn đỏ và vàng.
Giờ mở cửa: 6.00 – 21.00
Địa chỉ: 163, Jalan Tun H. S. Lee, Kuala Lumpur.
3/ Ghé thăm Chùa Thiên Hậu lớn nhất Đông Nam Á
Chùa Thiên Hậu là một điểm du lịch nổi tiếng thuộc khu người gốc Hoa ở Malaysia, tọa lạc trên đồi Robson giữa thủ đô Kuala Lumpur. Ngôi chùa có diện tích 6.760 m2, là công trình tâm linh thờ cúng Thiên Hậu lớn nhất Đông Nam Á. Chùa được khánh thành vào 3/9/1989 sau hai năm xây dựng.
Thánh mẫu Thiên Hậu, hay nữ thần biển Ma Tổ (Mazu), là một vị thần linh thiêng trong tín ngưỡng của người Trung Quốc. Theo truyền thuyết, nữ thần tiền thân là một cô gái tên Lâm Mặc (ở cảng Tây An, tỉnh Phúc Kiến) có khả năng tiên tri thời tiết giúp đỡ ngư dân. Đặc biệt, cô đã xuất hồn bay đến giữa biển khơi cách nhà hàng trăm cây số để cứu cha và anh trai trong cơn bão, nhưng người cha không qua khỏi. Sống trong đau buồn, khi 28 tuổi, Lâm Mặc rời xa trần thế khi đang ngủ. Từ đó, để tỏ lòng tôn kính người dân địa phương đã thờ cúng cô thành thần và cầu xin trợ giúp khi đi trên sông nước hoặc đi xa bằng đường biển.
Chùa Thiên Hậu ở Kuala Lumpur do cộng đồng người dân đảo Hải Nam di cư đến đây xây dựng và quản lý. Chùa được xây theo lối kiến trúc truyền thống Trung Quốc. Cấu trúc mái vòm uốn cong vút và ngói xếp kiểu âm dương mang nhiều nét tương đồng với các chùa của người gốc Hoa ở Việt Nam cũng như trong khu vực châu Á.
Các họa tiết trang trí của công trình có nhiều màu sắc sặc sỡ. Đỏ, vàng là màu chủ đạo xuất hiện nhiều nhất ở các cột trụ, kèo ngang, mái ngói. Một số chi tiết chạm khắc tinh xảo như tấm phù điêu giữa lối đi, thanh diềm dưới được sơn màu nổi bật. Đặc biệt, ngôi chùa thu hút du khách bởi hàng trăm chiếc đèn lồng đỏ rực treo san sát trong khuôn viên. Vào các dịp lễ lớn Phật Đản, Tết Trung Thu, Tết Nguyên Đán… chùa càng được trang hoàng lộng lẫy hơn.
Khách viếng chùa có thể xin quẻ rồi nhờ người làm việc tại chùa dịch ra tiếng Anh. Bên cạnh việc thờ cúng, chùa còn cung cấp dịch vụ bói toán, đăng ký kết hôn, tổ chức đám cưới cùng một số hoạt động như lớp võ cổ truyền, khí công, thái cực quyền… Thời gian mở cửa ở chùa từ 8h đến 22h mỗi ngày. Mỗi ngày, có hàng trăm giỏ hoa tươi nhiều màu sắc ghi tên người tặng được lưu giữ tại chùa. Người viếng chùa cúng tặng hoa để thể hiện lòng thành kính, mong mang lại may mắn cho bản thân.
Hiện chùa chưa có quy định cụ thể về trang phục của khách đến thăm viếng. Nhưng du khách cũng lưu ý không mặc quần ngắn trên đầu gối, áo hở vai, đến thực hiện các nghi thức cúng bái ở nơi tôn nghiêm nhé. Chính điện không cho phép thắp nhang, ai muốn làm lễ sẽ thắp ở ngoài với tối đa 4 que nhang một người. Du khách có thể đến đây bằng taxi từ ga tàu LRT Bangsar hoặc KL Sentral. Từ ga tàu gần nhất đến chùa mất khoảng 30 phút đi bộ và 15 phút bằng ôtô.