Nếu bạn đang có ý định du lịch 2 đất nước Singapore – Malaysia và khám phá trọn vẹn hơn về Malaysia thì có thể tìm hiểu những địa điểm tham quan, giải trí nổi bật tại ba thành phố sau, chắc chắn chuyến đi của bạn sẽ hoàn hảo và trọn vẹn hơn. Cùng VieTourist tìm hiểu những địa điểm này có gì đặc sắc nhé.
I/ Ghé thăm thành phố Putrajaya thông minh của Malaysia
Nằm cách thủ đô Kuala Lumpur khoảng 30km về phía Nam, Putrajaya là trung tâm hành chính quan trọng của Malaysia. Putrajaya là tên gọi được đặt theo tên vị thủ tướng đầu tiên của quốc gia này Tunku Abdul Rahman Putra. Trong tiếng Malaysia, “Putra” có nghĩa là hoàng tử và “jaya” nghĩa là chiến thắng. Trước đây, thành phố Putrajaya vốn là một vùng đất hoang sơ, cằn cỗi và đã được “thay áo mới” khi chính phủ nước này biến nơi này thành trung tâm chính trị quốc gia và ngày càng phát triển vượt bậc như bây giờ.
Điều khiến cho du khách ấn tượng với Putrajaya đó là sự ngăn nắp và hiện đại của thành phố này. Với gần 40% diện tích là cây xanh, nơi đây hầu như không có ô nhiễm môi trường và sự thoáng mát, sạch sẽ được ưu tiên hàng đầu. Từ việc đi học, đi làm, giải trí, đi lại,…đều được tối ưu hóa thông qua những chiếc thẻ có đầy đủ thông tin cá nhân, trẻ em đến trường không cần vác theo sách vở nặng nề, mua sắm không cần phải mang theo tiền, tất cả đều được diễn ra nhanh chóng và chính xác. Chính vì thế mà trình độ dân trí và mức sống ở Putrajaya cũng phải rất cao, và cư dân sống ở đây cũng là tầng lớp được chọn lọc kỹ càng.
Hầu hết những công trình đô thị ở Putrajaya như bệnh viện, trường học, rạp chiếu phim… đều được quản lý bằng các ứng dụng công nghệ hiện đại nhất thế giới.
Không giống như những nước khác, trẻ em ở thành phố Putrajaya khi đến trường không cần phải mang vác cặp sách nặng nề, mà hoàn toàn đều học trên máy tính. Ngay cả việc trả bài hay liên lạc với phụ huynh cũng đều thông qua hệ thống mạng internet tiên tiến.
Thánh đường Hồi giáo ở thành phố Putrajaya là một trong những điểm đến lý tưởng thu hút khá nhiều du khách đến tham quan. Với lối kiến trúc mái vòm truyền thống kết hợp cùng đá granite hồng phủ bên ngoài, khi nhìn từ xa, thánh đường trông vô cùng bắt mắt và độc đáo.
Thánh đường Putra được xây dựng và hoàn thành vào năm 1999, có sức chứa đến 15.000 tín đồ. Trong đó, phần tháp cao 116m được xem là nổi bật nhất của thánh đường này.
Được xây dựng nên nhằm mục đích điều hòa khí hậu và được ví như “trái tim” của thành phố, hồ nước nhân tạo Putrajaya có dòng chảy bao quanh thành phố với diện tích hơn 650ha. Hồ nước nổi tiếng này còn là nơi diễn ra những hoạt động thể thao, lễ hội sôi nổi như: cuộc đua thuyền máy F1, chèo xuống Châu Á…
Với kiến trúc xây dựng bằng đá tự nhiên, vô cùng đẹp mắt cùng mái vòm màu xanh lá theo phong cách Mughal, nơi đây đã để lại cho du khách nhiều hình ảnh khó quên. Tòa nhà này là nơi làm việc quan trọng của thủ tướng, phó thủ tướng và một số nhân vật cao cấp khác trong máy chính quyền của Malaysia.
Văn phòng thủ tướng tọa lạc trên một ngọn đồi rộng lớn, thoáng đãng. Tại đây, du khách có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp ấn tượng của cả thánh đường Putra và hồ Putrajaya.
Cầu treo Seri Wawasan là một trong những công trình hiện đại bậc nhất của thành phố Putrajaya và sẽ thật hối tiếc nếu du khách bỏ lỡ. Cây cầu này được xây dựng theo ý tưởng hình ảnh con thuyền đang giương cánh buồm như sẵn sàng chuẩn bị hành trình chinh phục đại dương xanh.
Khi màn đêm buông xuống, vẻ đẹp lộng lẫy của cây cầu càng được tô điểm nổi bật hơn bởi những ánh đèn chiếu sáng lấp lánh, lúc này du khách sẽ cảm nhận sức hấp dẫn của địa điểm tham quan này thật khó cưỡng.
Nếu có dịp đến thăm Malaysia thì bạn đừng bỏ lỡ những địa điểm này nhé!
II/ Khám phá thành phố Malacca của Malaysia
Nằm giữa hai thành phố nổi tiếng của Malaysia là Johor Bahru và Kuala Lumpur, Malacca là thuộc địa cũ của Bồ Đào Nha, Anh và Hà Lan nên vùng đất này sở hữu một nền kiến trúc và văn hóa đa dạng, mang lại cho du khách nhiều trải nghiệm ấn tượng. Cùng VieTourist tìm hiểu những địa điểm du lịch nổi bật của Malacca trong bài viết này nhé.
Được xây dựng vào đầu thế kỷ 20 với lối kiến trúc kết hợp giữa Trung Đông và Malaysia, Masjid Selat nằm trên một hòn đảo nhân tạo tại Malacca, nhà thờ được thiết kế có thể nổi khi mực nước dâng lên cao.
Phía bên ngoài được sơn trắng với điểm nhấn là các đường viền màu sắc rực rỡ. Lớp kính của cổng tò vò có màu vàng – xanh, khi màn đêm buông xuống, với một loạt các ánh đèn lung linh, nhà thờ này trở thành một trong những thắng cảnh đẹp nhất nơi đây.
A’Famosa còn được biết đến với tên gọi khác là Porta de Santiago. Pháo đài Bồ Đào Nha này là một trong những công trình kiến trúc châu Âu lâu đời nhất còn sót lại tại châu Á được xây dựng vào đầu những năm 1500 trên một đỉnh đồi ven biển nhằm mục đích bảo vệ Malacca sau khi bị vương quốc Hồi giáo hay có thể là từ một quốc gia châu Âu khác chinh phục.
Không lâu sau khi trở thành khu thuộc địa của Hà Lan, pháo đài lại một lần nữa bị tàn phá khi người Hà Lan bàn giao cho người Anh để ngăn chặn Malacca rơi vào tay của Pháp dưới sự bành trướng của Napoleon. Người Anh biết rằng khi họ trả lại pháo đài cho người Hà Lan vào cuối của cuộc chiến tranh Napoleon thì tất cả công sức mà họ bỏ ra là vô ích. Bởi thế, họ lên kế hoạch di dời dân cư và phá hủy pháo đài. Khi pháo đài sắp bị phá bỏ hoàn toàn, một người sáng lập của Singapore đã thuyết phục người Anh duy trì một cổng pháo đài vì lợi ích lịch sử quốc gia. Chính bởi vậy mà một phần các di tích lịch sử của pháo đài A’Famosa Malacca còn lưu giữ được đến ngày nay.
Tòa thị chính cũng như hầu hết các kiến trúc cổ khác ở Malacca được sơn màu đỏ đặc trưng. Trước đây, tòa nhà này từng là văn phòng của Thống đốc và Phó thống đốc Hà Lan, sau đó được dùng làm trường dạy tiếng Anh miễn phí dưới thời đô hộ của Anh.
Hiện nay, nơi đây là bảo tàng Lịch sử và Dân tộc học, nơi lưu giữ những trang phục truyền thống và đồ tạo tác qua nhiều thời kỳ lịch sử của Malacca.
Tháp xoay của Malacca là một lựa chọn tuyệt vời để ngắm toàn cảnh thành phố cổ này. Mỗi lượt tham quan kéo dài bảy phút với lượng khách 80 người/lượt. Ngoài ra, dưới chân tháp còn tổ chức một số hoạt động khác mà du khách cũng có thể tham gia như cưỡi ngựa và thuê xe hơi điện để dạo quanh thành phố.
Ngôi đền này được xây dựng từ năm 1646, là địa điểm đa tôn giáo lâu đời nhất ở Malaysia với sự phát triển của 3 giáo chính gồm: Đạo giáo, Khổng giáo và Phật giáo. Sảnh chính là đền thờ thần Kuan Yin, nữ thần của lòng nhân từ, sảnh phụ là nơi thờ các vị thần giàu có, sinh sôi và thịnh vượng. Cheng Hoon Teng nằm trên đường Harmony, là nơi tọa lạc của nhiều đền và nhà thờ Hồi giáo khác.
Là bản sao của cung điện dưới triều vua Mansur Shah (1456 – 1477), Bảo tàng này được xây dựng lại vào năm 1984 nhằm mục đích bảo tồn lịch sử của vùng chính bởi vậy nó mới có tên là “Bảo tàng cung điện vương quốc Malacca”. Tại đây có rất nhiều bức tranh mô phỏng lại cuộc sống thời bấy giờ như hình ảnh những quan lại, thương nhân… chờ bên ngoài sảnh chính để cống nạp và gửi tấu sớ tới nhà vua. Mặt trước của cung điện được xây dựng với hơn 1300 chi tiết là điểm đặc biệt nhất của kiến trúc này.
St. Paul được xây dựng trên đỉnh đồi cùng tên bởi một thuyền trưởng người Bồ Đào Nha vào năm 1521 nhằm tưởng nhớ St. Francis Xavier – nhà truyền giáo đầu tiên tại Malaysia. Du khách có thể tham quan ngôi mộ cũ của ông bên trong nhà thờ bên cạnh một bức tượng đá cẩm thạch mô tả cảnh St. Francis Xavier đang quan sát thành phố.
Jonker là khu phố Trung Hoa tại Malacca. Lúc đầu, nơi này dành cho đầy tớ của các quý tộc người Hà Lan, sau đó trở thành nơi ở của chính các quý tộc. Khi người Trung Quốc chuyển đến đây, họ trang trí lại khu phố với những mái vòm đặc trưng và mở nhiều quán ăn, nhà hàng, tiệm đồ theo phong cách Trung Hoa.
Vào mỗi tối 3 ngày cuối tuần khu phố này cấm xe cộ qua lại và do đó, nơi đây trở thành khu chợ đêm cho khách du lịch thỏa sức mua sắm.
Bảo tàng được thành lập bởi triệu phú đời thứ tư của gia tộc từng sinh sống tại ngôi nhà này – ông Chan Kim Lay. Đây là nơi tái hiện văn hóa Trung Hoa và Malaysia, hay còn gọi là Baba Nyonya với một số lượng lớn các đồ thủ công được làm từ gỗ, gốm, sứ. Bảo tàng trưng bày nhiều tấm thảm lớn có được chạm khắc cầu kỳ phần khung mô tả sự trộn lẫn nền văn hóa Trung Hoa và Tây phương xen văn hóa bản địa.
Nhà thờ Christ được xây dựng vào thế kỷ 18 sau khi Hà Lan chiếm đóng Malacca từ người Bồ Đào Nha. Thời kỳ đó, nhà thờ này là một trong những biểu tượng nguy nga, hoành tráng nhất. Ban đầu, nhà thờ có màu trắng nhưng đến năm 1900, nó được sơn lại màu đỏ theo màu đặc trưng của các công trình nổi tiếng khác. Một số bia đá bên trong nhà thờ được khắc với nhiều thứ tiếng như tiếng Hà Lan, tiếng Anh, tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Ắc-mô-ni.
Đã từ rất lâu, thành phố Ipoh đã không còn giữ được vị thế là thủ phủ của tỉnh Perak thuộc Malaysia. Tuy nhiên, một làn gió mới đang tràn đến thành phố này, và dễ dàng nhận thấy nhất là trên đường phố thuộc Old Town. Bỏ qua những điểm đến đã trở nên quen thuộc, đến Malaysia lần này, bạn hãy thử khám phá một số địa danh thú vị ở Ipoh nhé.
Bờ Tây của sông Kinta chính là nơi tọa lạc của những công trình kiến trúc lịch sử nổi bật nhất của Ipoh. Dưới sự cai trị của thực dân Anh, kiến trúc hoàng gia đã được xây dựng rộng khắp vùng đất này. Ga xe lửa của Ipoh vào đầu thế kỷ 20 được biết đến với tên gọi Tah Mahal nhờ những vòm mái nhà màu trắng tuyệt đẹp. Tòa thị chính ở đây là một địa danh thích hợp để chụp hình. Cách tòa thị chính 5 phút đi bộ chính là Tòa án mang sắc trắng tuyệt đẹp và tháp đồng hồ tưởng niệm Birch.
Những biệt thự lâu đời ở đây đã được xây dựng để trở thành khách sạn, quán cà phê và nơi bán đồ thủ công. Sekeping Kong Heng chính là nơi tấp nập nhất tại trung tâm của Old Town. Dọc theo khách sạn ở đây chính là những sạp hàng thủ công mỹ nghệ và quán cà phê. Sạp Bits & Bobs bán món ais kepa (kem tuyết) rất nổi tiếng. Gần đó là Ipod Craftnerds, nơi bày bán các mặt hàng thủ công và trang sức, và Roquette – một khu tập trung đông đúc những người trẻ tuổi trong những quán cà phê bắt mắt.
Các du khách và người dân địa phương thường đến thăm Lorong Panglima – nơi còn được biết đến với tên gọi Concubine. Cư dân ở Ipoh thường kể những câu chuyện về vẻ đẹp của thành phố. Dù Lorong Panglima đã không được trùng tu trong nhiều năm, đây vẫn là một địa danh thuộc con đường di sản của Malaysia. Các nhà hàng được xây dựng tại đây và nhiều khách sạn nổi tiếng cũng có mặt, tiêu biểu là khách sạn số 27 Concubine.
Họa sĩ Ernest Zacharevic đã lấy cảm hứng từ quá khứ hào hùng của Ipoh để vẽ nên những bức họa trên tường ở khắp nơi trong thành phố. Anh bắt đầu công việc này từ năm 2014 với dự án mang tên Nghệ thuật của Old Town, đưa lịch sử của Ipoh lên các bức tường. Túi cà phê, người đàn ông thưởng thức cà phê… là một trong nhiều nội dung của các bức họa. Có khá nhiều tranh được vẽ theo phong cách 3D và bạn có thể thưởng thức chúng khi đi qua chợ Jahan, Jalan Tun Sambathan và Jalan Padang. Ngoài Zacharevic, nghệ thuật đường phố ở đây cũng khá thú vị với việc thay đổi theo từng thời điểm trong năm.
Nghệ thuật cà phê ở Ipoh vốn đã nổi tiếng từ lâu. Kopi putih – loại cà phê trắng độc nhất của thành phố được pha chế theo một công thức đặc biệt. Công thức gốc của loại cà phê này được cho là ở Sin Yoon Loong – một nơi chuyên phục vụ cà phê trong nhiều năm. Để tận hưởng các loại thức uống mới mẻ hơn, hãy đến với Lim Ko Pi – một nhà hàng chuyên bán cà phê với sứ mệnh gìn giữ nghề truyền thống của Ipoh. Quán này nằm trong một tòa nhà cổ được xây dựng từ những năm 1920.
Ngoại ô Ipoh chính là nơi tập trung các công trình kiến trúc tôn giáo có tuổi đời lên đến hàng thế kỷ. Những công trình này chủ yếu được chạm khắc trên vách đá vôi và nổi tiếng nhất có lẽ là Sam Poh Tong – một hang động từng là nơi sinh sống của những vị cao tăng vào những năm 1890 và đã trở thành một quần thể đền chùa phức hợp.
Không khí trang nghiêm ở nơi linh thiêng này vẫn còn nguyên vẹn sau hàng trăm năm với bức tượng các vị Phật canh giữ ở cửa hàng và nến được thắp dọc theo hang. Ling Sen Tong là một ngôi chùa mang tính chất hiện đại, mang dáng dấp một nơi vui chơi của các vị thần. Những tín đồ có thể thoải mái chụp hình những bức tượng thần ở đây.